Bố trí binh lực hai bên Chiến_dịch_Bắc_Tây_Nguyên_1972

Dựa trên kế hoạch này, đầu tháng 2 năm 1972, tướng Ngô Du đã ra lệnh cho di chuyển 2 trung đoàn bộ binh 42 và 47, cùng với Sở chỉ huy tiền phương và toàn bộ lực lượng pháo binh (khoảng 10 tiểu đoàn) và chiến xa (khoảng 10 chi đoàn) của Sư đoàn 22 Bộ binh, lên Tân Cảnh để giao chiến với Sư đoàn 320 đối phương. Ngoài ra, Liên đoàn 22 Biệt động quân được tăng cường tại các căn cứ biên phòng, đặc biệt là đồn Ben Het, để bảo vệ các tuyến giao thông đi vào Vùng II.

Ban cố vấn và bộ tham mưu của tướng Ngô Du cũng đề phòng đối phương sẽ dùng Sư đoàn 2 để tập kích vào Kontum nên cũng đã yêu cầu Bộ Tổng tham mưu VNCH tăng cường thêm lữ đoàn Nhảy dù số 2 để làm lực lượng trừ bị tại Kontum và sẵng sàng ứng cứu cho Tân Cảnh khi cần thiết.

Để dễ dàng chỉ huy, tướng Ngô Du đã cho điều động Ðại tá Lý Tòng Bá vào chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 23 và Đại tá Lê Ðức Ðạt làm Tư lệnh Sư đoàn 22. Toàn bộ Vùng II được đưa vào tình huống chuẩn bị.[5]

Về phía liên minh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam-Quân đội Nhân dân Việt Nam, các kế hoạch chuẩn bị cho việc mở cuộc tấn công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam đã hoàn tất, trong đó mặt trận Trị - Thiên được chọn là hướng tấn công chủ yếu. Mục tiêu của liên minh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam-Quân đội Nhân dân Việt Nam là tấn công thẳng vào các hệ thống phòng thủ chiến lược của Việt Nam Cộng hòa, nhằm làm mất uy tín chính sách Việt Nam hóa chiến tranh và cầm chân tối đa các lực lượng chủ lực của đối phương, phá vỡ chương trình bình định nông thôn của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, và nâng cao vị thế trước khi diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng.

Cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, năm 1972: Thiếu tướng, Tư lệnh mặt trận B3

Phối hợp với chiến trường chính, tại Tây Nguyên, Thiếu tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận B3, đã điều động binh lực của 2 sư đoàn 320 (gồm 3 trung đoàn 52, 64 và 48) và 2 (gồm 2 trung đoàn 1 và 141), 4 trung đoàn bộ binh độc lập (66, 95, 28 và 24), trung đoàn đặc công 400, 2 trung đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn xe tăng và 6 tiểu đoàn pháo phòng không. Ngoài ra còn có sự tham gia của các lực lượng vũ trang tại địa phương. Tổng binh lực tham gia khoảng 20.000 người.

Từ ngày 15 đến ngày 25 tháng 3, tiểu đoàn công binh thuộc sư đoàn 320A Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã làm giả hai con đường cơ giới phía Tây Bắc thị xã Kon Tum. Tướng Ngô Du liền điều lữ đoàn dù 2 ra phá đường. Sư 320A dùng trung đoàn 52 chặn đánh nhưng không truy kích. Ngày 23 tháng 3, Liên đoàn 22 Biệt động quân tiếp tục tiến ra phá đường, cũng bị trung đoàn 52 chặn đánh.[6]. Ngày 24 tháng 3, trung đoàn 28 (độc lập) cắt đứt đường 14 ở Diên Bình, bao vây Võ Định. Ngày 26 tháng 3, trung đoàn 95, tiểu đoàn 6 (bảo vệ 559) và đại đội 1 (địa phương) cắt đường 14 ở Chư Thoi, Tân Phú (nam Kon Tum).

Trong hồi ký "Kon Tum trong ký ức tôi" của thiếu tướng Vương Tuấn Kiệt - nguyên tham mưu trưởng Mặt trận Tây Nguyên, đã nói lên đóng góp to lớn của nhân dân Đăk Tô đối với Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong chiến dịch này: "… Ngày ấy các phương tiện cơ giới rất hạn chế, tất cả chỉ nhờ vào đôi vai của bộ đội mình và đồng bào địa phương. Mà bộ đội thì còn phải lo cho công tác chiến đấu. Do đó hầu như tất cả công việc chuẩn bị đều dựa vào dân (mà cụ thể là dân công). Họ mở đường, kéo pháo, lo vận chuyển vũ khí đạn dược, gùi gạo vào các vị trí tập kết... Đồng bào các dân tộc H80 qua đôi vai của mình đã gùi hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, lương thực phục vụ cho trận đánh… Chính nhờ có công tác chuẩn bị tích cực chu đáo đó mà bộ đội ta đã đánh thắng giòn dã, đập tan tuyến phòng ngự Đăk Tô - Tân Cảnh tháng 4/1972…"[4]